Nội dung chính
Ưu điểm và nhược điểm khi thành lập Doanh nghiệp?
Có nên thành lập Doanh nghiệp?
Khi thành lập Doanh nghiệp cần lưu ý những điều gì?
Ưu điểm khi thành lập Doanh nghiệp
Thứ nhất, về tư cách pháp nhân: Có những ngành nghề kinh doanh mà cá nhân không thể tiến hành hoạt động được. Chính vì thế khi thành lập Doanh nghiệp, bạn sẽ có đầy đủ tư cách pháp nhân để kinh doanh ngành nghề mà mình mong muốn. Ngoài ra, chỉ khi thành lập Doanh nghiệp, người kinh doanh mới có Mã số doanh nghiệp và Mã số thuế, có Giấy chứng nhận đăng ký thành lập, có tư cách pháp nhân, được Nhà nước công nhận và xác định là có tồn tại, có vốn, có chức năng kinh doanh các ngành nghề như đã đăng ký. Mỗi một đối tác sẽ yên tâm hơn nhiều khi ký kết hợp đồng với một doanh nghiệp, thay vì một cá nhân nhỏ bé.
Thứ hai, chỉ Doanh nghiệp mới được phép xuất hóa đơn, các cá nhân không thể thực hiện được việc này. Với các đối tượng khách hàng cần hóa đơn để làm cơ sở minh bạch hóa chi phí thì đương nhiên họ sẽ sử dụng dịch vụ, mua hàng của một doanh nghiệp.
Thứ ba, việc thành lập Doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc huy động vốn. Các cá nhân cùng muốn kinh doanh có thể dễ dàng tiến hành góp vốn, hoặc các cá nhân cũng có thể góp vốn cùng các Doanh nghiệp khác để thành lập một Doanh nghiệp, hoặc cũng có thể góp vốn vào một Doanh nghiệp đang tồn tại. Việc góp vốn vào Doanh nghiệp sẽ được cơ quan nhà nước chứng nhận, chính vì vậy các cá nhân có thể yên tâm về việc được đảm bảo các quyền và nghĩa vụ.
Thứ tư, một Doanh nghiệp có cơ cấu tổ chức, quản lý rõ ràng, minh bạch, với các quyền, nghĩa vụ của các thành viên góp vốn/ cổ đông, các chức danh quản lý quan trọng được quy định cụ thể trong Luật Doanh nghiệp 2020.
Thứ năm, khi mở Doanh nghiệp, thương hiệu của sản phẩm, doanh nghiệp mà bạn kinh doanh sẽ được pháp luật bảo vệ. Doanh nghiệp khác không có quyền lấy thương hiệu của bạn để tiến hành kinh doanh.
Vậy, những ưu điểm và nhược điểm của việc thành lập công ty là gì trước khi đưa ra quyết định phù hợp nhất cho việc có nên thành lập công ty hay không.
Nhược điểm khi thành lập công ty
Phải kê khai báo cáo thuế hàng quý, hàng năm. Với doanh nghiệp, ngoài thuế cơ bản như: lệ phí môn bài, thuế thu nhập doanh nghiệp, đóng hộ thuế thu nhập cá nhân cho người lao động, thu hộ thuế giá trị gia tăng… Doanh nghiệp còn phải đóng thêm thuế bảo vệ môi trường, thuế xuất nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt dựa theo đặc điểm ngành nghề kinh doanh riêng của từng doanh nghiệp.
Chịu sự kiểm soát của các cơ quan nhà nước như: thuế, bảo hiểm xã hội, Sở KH&ĐT.
Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh.
Vậy nếu kinh doanh nhưng không thành lập doanh nghiệp có được không? Câu trả lời là có.
Tuy nhiên, không phải lĩnh vực nào cá nhân cũng có thể tiến hành hoạt động kinh doanh, như kinh doanh bất động sản, thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, thiết lập trang mạng xã hội, đăng ký thành lập sàn thương mại điện tử, website khuyến mại trực tuyến...là những ngành nghề bắt buộc chủ thể kinh doanh là doanh nghiệp hoặc tổ chức. Chưa kể một số ngành nghề kinh doanh yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề, như Luật sư, Môi giới bất động sản...nếu các cá nhân muốn hoạt động độc lập.
Việc mở công ty sẽ đem lại bước ngoặc lớn trong quá trình kinh doanh của chính bạn. Việc thành lập một doanh nghiệp để kinh doanh có thể giúp thương hiệu, sản phẩm của bạn được nhiều người biết đến, được nhiều người tin tưởng và sử dụng, từ đó mang lại nhiều lợi nhuận hơn.
Hơn nữa, việc kinh doanh mà không thành lập doanh nghiệp sẽ gặp phải nhiều khó khăn, đặc biệt với những người xác định kinh doanh lâu dài, bài bản, có định hướng phát triển lớn mạnh.
>> Đặt câu hỏi MIỄN PHÍ với Luật sư.
Luật Doanh nghiệp 2020 đã có những quy định cụ thể và rõ ràng về các điều kiện và những điều cần lưu ý khi thành lập Doanh nghiệp. Có thể tóm gọn và liệt kê các điểm cơ bản như sau:
1. Xác định số lượng người/tổ chức góp vốn thành lập doanh nghiệp, từ đó lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp.
Lưu ý: Người góp vốn không thuộc đối tượng bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp theo quy định.
2. Xác định được lĩnh vực kinh doanh. Từ lĩnh vực kinh doanh chính mà quý khách hàng hướng tới.
3. Vốn điều lệ: Tuy rằng phần lớn các ngành nghề kinh doanh không yêu cầu mức vốn cụ thể, nhưng cũng có một số ngành nghề yêu cầu các doanh nghiệp phải có một mức vốn cụ thể, như Kinh doanh bất động sản (20 tỷ), Bán hàng đa cấp (10 tỷ), Bảo vệ (2 tỷ), Chuyển phát nhanh (2 tỷ hoặc 5 tỷ)... Ngoài ra cũng cần lưu ý rằng mức vốn điều lệ sẽ quyết định mức thuế môn bài doanh nghiệp phải đóng hàng năm.
4. Lựa chọn tên doanh nghiệp: tên tiếng việt, tên tiếng anh và tên viết tắt. Lưu ý: Quý khách hàng nên lựa chọn tên một cách cẩn thận, tránh bị trùng hoặc gây nhầm lẫn với các doanh nghiệp khác, nếu không tên mà khách hàng lựa chọn sẽ bị từ chối đăng ký.
5. Trụ sở: Trụ sở Doanh nghiệp không được đặt tại các địa điểm không có chức năng kinh doanh, ví dụ như khu chung cư được xây dựng với mục đích để ở...
6. Đại diện theo pháp luật: Có thể là người góp vốn hoặc là cá nhân khác mà các cá nhân/ tổ chức góp vốn thống nhất thuê.
Sau khi thành lập doanh nghiệp, bạn cần thực hiện ngay các thủ tục cần thiết:
Khắc con dấu pháp nhân Doanh nghiệp (nếu có nhu cầu)
Đăng bố cáo thành lập Doanh nghiệp
Mở tài khoản ngân hàng và thông báo lên Sở KH&ĐT
Kê khai và đóng thuế môn bài
Thông báo phát hành hóa đơn
Bảng đăng ký phương pháp trích khấu hao tài sản cố định
Thông báo về việc chuyển phương pháp tính thuế GTGT của người nộp thuế
Thông báo áp dụng phương pháp tính thuế khấu trừ
Thông báo xác nhận nộp hồ sơ thuế điện tử
Đăng ký chữ ký số
Treo bảng hiệu Doanh nghiệp tại trụ sở chính
Tiến hành góp vốn theo cam kết
Tiến hành thuê hoặc sử dụng dịch vụ kế toán để thực hiện kê khai hồ sơ thuế
Đóng thuế định kỳ/phát sinh theo quy định
Ngoài ra, việc xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ thương hiệu nhằm tạo nên một bộ nhận diện thương hiệu riêng, đặc biệt, dễ dàng nhận biết cũng là vô cùng cần thiết, nhất là khi các tài sản trí tuệ ngày càng có giá trị như ngày nay.
>> Đặt câu hỏi MIỄN PHÍ với Luật sư.
caphephaply.com (sưu tầm & biên tập)